Lượt xem: 119

Phát triển vườn cây ăn trái ven vùng đô thị

Thế mạnh của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng là trồng cây ăn trái, do đó hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện đều trồng cây ăn trái với nhiều loại cây khác nhau. Cũng như nhiều địa phương khác, mặc dù là trung tâm mua sắm và giao thương hàng hóa của huyện, nhưng đời sống của người dân trên địa bàn thị trấn Kế Sách chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài cây lúa là cây trồng chủ lực thì cây ăn trái chiếm vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của bà con nông dân sinh sống tại thị trấn.

 


Ông Trần Thanh Phương, ấp An Thành, thị trấn Kế Sách bên vườn mít ruột đỏ của gia đình đang mùa thu hoạch trái. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Thông qua sự giới thiệu của lãnh đạo thị trấn Kế Sách, chúng tôi tham quan một số nhà vườn trồng cây ăn trái đang mùa thu hoạch. Hòa nhã, thân thiện mặc dù gặp chúng tôi lần đầu, ông Trần Thanh Phương, ấp An Thành, thị trấn Kế Sách nhiệt tình chia sẻ, thổ nhưỡng của thị trấn rất tốt nên hơn mười năm qua ông đã trồng nhiều loại cây ăn trái khác nhau, trên cùng diện tích đất cây vẫn luôn xanh tốt, cho năng suất trái cao. Ông có 6ha đất trồng mít, trong đó diện tích mít cho trái là 3ha. Trước khi trồng mít, khu vườn này trồng cam sành. Qua nhiều năm thu hoạch trái, cây cam đã già cỗi, cho năng suất thấp, kèm theo đó là giá bán trái không được tốt nên ông quyết định chuyển sang trồng mít ruột đỏ xơ vàng. Hiện tại vườn mít được hơn 3 năm tuổi, đã thu hoạch vài đợt trái. Nếu so với cây mít thái thì mít ruột đỏ có giá bán cao hơn nên thu nhập cho nhà vườn nhiều hơn. Điểm hay của trái mít ruột đỏ là cây cho trái quanh năm, đạt trọng lượng bình quân từ 10kg - 25kg/trái, giá bán từ 35.000 đồng - 120.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Tính riêng mùa vụ mít trong năm 2023, vườn mít đem về thu nhập cho gia đình ông hơn 500 triệu đồng. Dự tính, trong năm 2024, sản lượng mít thu về nhiều hơn do cây lớn hơn năm trước, ước tính sẽ cho thu nhập hơn 700 triệu đồng/3ha.

    Theo ông Trần Thanh Phương, trồng bất kỳ cây ăn trái nào thì khâu quan trọng giúp cây phát triển là phải phòng ngừa dịch bệnh, sâu hại tấn công trên cây; đồng thời, phải quan tâm đến việc cung cấp đủ lượng nước cho cây, nhất là trong mùa nắng nóng. Do đó, để tiết kiệm nguồn nước tưới cho cây và giảm công lao động, ông Phương đã lắp đặt hệ thống tưới phun tự động cho toàn bộ vườn mít của gia đình. Còn trong thời điểm hạn, mặn, ông tiến hành việc trữ nước trong các mương vườn để dành tưới cho cây. Theo tính toán thì khoảng 1 năm nữa, toàn bộ vườn mít 6ha sẽ đồng loạt cho thu hoạch trái, sẽ đem về nguồn thu nhập cho gia đình ông Phương hàng tỷ đồng/năm.

    Đồng chí Phạm Thị Cẩm An - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kế Sách thông tin, thị trấn có diện tích trồng cây ăn trái hơn 500ha, tập trung hầu hết các ấp trên địa bàn thị trấn, với đa dạng các loại cây ăn trái như: Nhãn, sầu riêng, chanh, măng cụt, vú sữa, mít, dừa, bưởi… Nhờ trồng nhiều loại cây ăn trái khác nhau nên đầu ra các loại trái cây tại huyện rất tốt, từ đó đời sống nhà vườn khấm khá hơn.


Ông Nguyễn Hữu Cầm, ấp An Định, thị trấn Kế Sách khoe vườn chanh không hạt đem về nguồn thu nhập tốt cho gia đình. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Cũng là hộ dân có diện tích trồng cây ăn trái lớn, ông Nguyễn Hữu Cầm, ấp An Định, thị trấn Kế Sách cho biết: “Thấy nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái có hiệu quả, tôi đã chuyển diện tích đất trồng lúa 1,5ha sang trồng chanh không hạt. Để vườn cây ăn trái thích ứng với điều kiện khí hậu và ứng phó hạn, mặn trong những tháng mùa khô, tôi thiết kế khu vườn có nhiều ao trữ nước và lắp đặt hệ thống tưới phun tự động. Hiện tại, vườn chanh cho thu hoạch trái đã được 2 đợt, do chanh còn nhỏ nên năng suất trái chưa nhiều, mỗi đợt thu hoạch được hơn 500kg (bình quân chanh sẽ cho thu hoạch trái từ 10 - 14 đợt/năm). Dự kiến trong năm 2025, khi chanh đã nhiều năm tuổi hơn sẽ cho sản lượng trái tốt hơn, ước sản lượng thu hoạch hơn 1 tấn trái/đợt, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm/1,5ha chanh”.

    Để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, thời gian tới thị trấn sẽ tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: Mít ruột đỏ, vú sữa tứ quý, nhãn… Cùng với đó, quy hoạch diện tích trồng tập trung cây ăn trái theo từng loại tại các ấp liền kề, nhằm tạo ra sản lượng trái cây lớn; kêu gọi các công ty, doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra cho nhà vườn; phối hợp các đơn vị chuyên môn mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn trái cho nhà vườn; thành lập các hợp tác xã trồng cây ăn trái; tuyên truyền nhà vườn tăng cường áp dụng sản xuất cây ăn trái theo quy trình VietGAP, GlobalGAP…

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 81
  • Hôm nay: 387
  • Trong tuần: 70,814
  • Tất cả: 11,802,821